Đình Điều Hòa hiện tọa lạc tại số 101, đường Trịnh Hoài Đức, phường 2, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang nằm trong khu vực trung tâm thành phố, giữa khu dân cư nên việc đi đến di tích bằng các phương tiện giao thông đường bộ rất thuận tiện.
Độc đáo kiến trúc nghệ thuật đình làng Nam bộ
Đình Điều Hòa được xây dựng theo lối chữ "Tam" (≡), gồm có Võ ca, Võ quy và Chánh điện; được xây dựng chủ yếu bằng chất liệu truyền thống như gạch, ngói, gỗ, đá và chất kết dính là hồ ô dước. Về sau, trong quá trình trùng tu đã sử dụng thêm các vật liệu xây dựng hiện đại vào như xi - măng, gạch men. Các hệ thống xây dựng bằng gỗ được liên kết với nhau bằng hệ thống mộng, chốt chắc chắn và tinh vi.
Trên mặt dựng của cổng đình có 3 chữ Hán “Đình Điều Hòa”, phía sau trang trí một bức tranh “Thất Hiền Quá Hải”, bên dưới thân trụ cổng có đôi câu đối của ông Cao Xuân Dục viết tặng đình khi về thăm đình vào năm Duy Tân thứ I với nội dung:
“Tứ hải hỗn đồng phùng thuận trị
Nhất phương phong hóa hảo điều hòa”.
Đôi câu đối của ông Cao Xuân Dục được chạm trên thân trụ cột
Qua cổng Tam quan là sân kiểng, bên trái có bàn thờ Thần Nông, bởi vì nơi đây là ruộng tịch điền và bàn thờ Thần Nông của thôn Điều Hòa có trước khi đình được dời về đây. Nhìn chung, họa tiết và hoa văn trang trí ở đình Điều Hòa hầu hết được lấy ra từ những hình tượng và điển tích trong Nho giáo, Phật giáo, Tứ linh, Tứ quý và các vật tượng trưng với hàm ý cầu mong cho dân trong làng xóm được bình an, trong gia đạo được hạnh phúc, con cháu giàu sang phú quý, thiên nhiên mưa thuận gió hòa.
Vào trong chánh điện, gian giữa với các mảng chạm khắc bên trên là “Long Phụng tranh châu”, phía dưới là Bát tiên cưỡi thú; phía trên bao lam là những khuôn chạm Tứ quý, Tứ linh, Mai Điểu, Tùng Lộc và trên cùng là tấm hoành được sơn son thếp vàng và chạm Tứ linh. Trên 2 cột gian giữa là đôi liễn chạm trổ hai lớp khá công phu, lớp dưới chạm rồng sơn son thếp vàng, lớp trên là câu đối. Bên cạnh việc trang trí ở các bao lam, khánh thờ, bàn thờ, chánh điện, đình Điều Hòa còn trang trí giữa 2 mái giao nhau bằng các bức tranh sơn thủy, Tứ quý và những con vật, hoa trái gần gũi đời thường.
Hình ảnh chính điện đình Điều Hòa
Di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia
Đình Điều Hòa lúc mới thành lập còn có tên gọi là Giang trạm Điều Hòa thôn, từ ngày đầu thành lập, đình Điều Hòa được dùng làm trạm dừng chân của các quan lại dưới triều Nguyễn đi công tác ở địa phương muốn nghỉ lại qua đêm. Ngoài ra, đình Điều Hòa còn là nơi thờ cúng Thành Hoàng Bổn cảnh của nhân dân trong vùng. Theo các tài liệu cũ, tên Điều Hòa có vào khoảng thế kỷ XVIII, lúc bấy giờ có sự sát nhập của 3 lần (mỗi lần tương đương với một ấp ngày nay) bao gồm: Hòa Mỹ, Hòa Hảo, Hòa Thới, thuộc huyện Kiến Hưng, dinh Trấn Định (sau này là trấn Định Tường, tỉnh Định Tường). Sau khi lập làng, nhân dân tiến hành lập đình để thờ thần Thành Hoàng và những người có công khai hoang lập làng, lập ấp.
Đình Điều Hòa là một công trình kiến trúc nghệ thuật có quy mô xây dựng lớn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được thể hiện qua cấu trúc xây dựng và các mảng chạm khắc trang trí bên trong. Ngôi đình khởi đầu cách đình hiện tại 300m về hướng Nam. Trước đây, ngôi đình thờ 4 vị thần: Thần núi, Thần biển, Thần giữ thành và Phúc Thần (tức Thành Hoàng), chủ yếu là dân trong làng Điều Hòa đến cúng bái, sinh hoạt. Do nằm cạnh sông Tiền, thường xuyên bị triều cường gây sạt lở, nên dân làng quyết định di dời đình lên chỗ cao ráo, lấy tên là đình Điều Hòa, trong đó chữ Điều nằm trong 4 chữ “Phong điều vũ thuận” và chữ Hòa lấy từ chữ Hòa của 3 ấp Hòa Thới, Hòa Mỹ và Hòa Hảo, thuộc làng Điều Hòa ngày trước. Năm 1826, đình được tu bổ thêm các mảng chạm khắc và các hoành phi, câu đối thờ tự…Đầu năm 1913, đình được di dời về chỗ mới và giữ nguyên cho đến ngày nay. Trải qua hơn 200 năm tồn tại và qua nhiều lần tu bổ, đình Điều Hòa vẫn còn giữ được dáng vẻ ban đầu và trông rất khang trang như ngày nay. Nơi đây là nơi tập trung và bảo tồn nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh Tiền Giang. Vào năm 2009, đình Điều Hòa đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.
Điểm đặc biệt của đình Điều Hòa là nghi thức hành lễ cúng bái trong đình có từ các thế kỷ trước vẫn còn lưu lại cho đến nay. Hằng năm, cứ đến lệ kỳ, đình Điều Hòa có 2 lệ cúng vào các ngày 16, 17 và 18 của tháng 2 và tháng 10 âm lịch. Mỗi lệ cúng có hàng ngàn người dân đến cầu an, dâng lễ vật và xem hát bội. Hội đình kéo dài ba ngày ba đêm, mỗi đêm đều có rước đoàn hát về hát bội. Trong suốt ba ngày Lễ hội Kỳ Yên diễn ra có rất nhiều hoạt động truyền thống như: Lễ Thỉnh Sắc Thần, Lễ Tế Thần, cúng Tạ Tịch, Lễ tế Thần Nông, đãi khách, hát tuồng... Trang trọng nhất là Lễ Tế Thần cầu "quốc thái dân an" nghi lễ diễn ra lúc 1 giờ rạng sáng ngày 17 tháng 10 (âm lịch). Lễ Tế Thần và Tế Thần Nông sẽ tiếp tục diễn ra vào 2 giờ và 3 giờ rạng sáng ngày 18 tháng 10 (âm lịch).
Cúng lệ Kỳ yên Hạ điền vào ngày 16, 17 và 18 tháng 2 âm lịch năm 2024
Lễ an vị sắc thần vào ngày 18 tháng 2 âm lịch năm 2024
Hiện nay đình Điều Hòa vẫn còn giữ nguyên những hoạt động văn hóa này. Ngoài hai lệ cúng trên, đêm giao thừa, người dân chen chân đến đình Điều Hòa cầu an, xin lộc và nơi đây cũng là điểm đến của những nhà nghiên cứu, khách du lịch.
Đình Điều Hòa có bốn sắc thần: Thiệu Trị năm thứ tư (1845), Thiệu Trị năm thứ năm (1846), Tự Đức năm thứ 3 (1850), Tự Đức năm thứ 5 (1852), ngoài ra đình có khoảng 20 bức hoành phi và 20 câu đối.
Một trong các Sắc thần hiện còn lưu giữ tại đình Điều Hòa
Trải qua những thăng trầm và nhiều biến cố của lịch sử, đình Điều Hòa đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa của đất Mỹ Tho xưa và là nơi đặt trụ sở hành chính xã Điều Hòa trong những năm chống thực dân Pháp. Ngày nay, phát huy truyền thống nét đẹp văn hóa đình làng, chính quyền và người dân địa phương vẫn duy trì những lễ hội truyền thống của đình, trong đó lễ hội Kỳ Yên là một trong những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống thu hút đông đảo người dân tham dự./.
Thùy Dung thực hiện