Di tích lịch sử - văn hoá: Miếu Cây Vông
Phóng to Thu nhỏ In

        Miếu Cây Vông là di tích thuộc loại hình di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, miếu là nơi hội họp, là nơi nhận và đưa tin của các tổ chức cách mạng trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cứu nước của quân dân ta.

Toạ lạc cách trung tâm thành phố Mỹ Tho 02km về hướng Đông Bắc, cách Quốc lộ 1A 800m về hướng Bắc. Do miếu nằm cạnh tuyến đường huyện lộ 93 nên đường đi đến di tích bằng ô tô rất thuận lợi. Từ ngã ba Trung Lương trên Quốc lộ 1A đi về hướng cầu Mỹ Thuận khoảng 500m, rẽ trái đến trường Trung học cơ sở Trung An, rẽ phải đi theo tuyến đường huyện lộ 93 khoảng 800m là đến di tích.

          Miếu Cây Vông thuộc ấp 4 xã Trung An, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Theo nguồn tư liệu của các bậc lão thành trong Ban hội Miếu Cây Vông thì miếu được lập vào năm 1769 (thế kỷ XVIII), do người dân từ miền Bắc vào Nam khai hoang lập ấp, thấy khu vực này có một gò đất cao hơn các nơi xung quanh nên nhân dân đặt ở nơi này một ngôi miếu nhỏ làm bằng gốc tre, lợp lá để thờ Thổ Thần (thần đất), cạnh miếu có một cây vông nên nhân dân trong vùng gọi đây là Miếu Cây Vông.

Vào năm 1769, ông Nguyễn Văn Bổn từ miền Bắc vào Nam khai hoang lập ấp, thấy khu vực này có một gò cao hơn các nơi xung quanh nên đặt nơi này một ngôi miếu nhỏ làm bằng gốc tre, lợp lá để thờ Thổ Thần (thần đất). Năm 1849, được ông Nguyễn Văn Bốn hiến đất xây dựng lại miếu bằng cây thô sơ như cây bằng lăng rừng một ngôi võ ca, một ngôi chánh điện, hai bên có 02 nhà tiếp khách nam – nữ, cùng 01 nhà bếp (gọi nhà trù) để nấu nướng ngày cúng lễ hàng năm. Chánh điện có 05 nghi thờ: nghi giữa thờ Thổ Thần, bên hữu thờ Bà Chúa Xứ, bên tả thờ Ngũ Hành, hai bên hông vách thờ Tiền Hiền và Hậu Hiền.

Theo lời kể của các vị lão thành cách mạng và tài liệu nghiên cứu lịch sử Đảng xã Trung An thì Miếu Cây Vông ngoài việc thờ cúng các vị thần linh mà dân làng tín ngưỡng đây còn là điểm hội họp của các tổ chức cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Miếu Cây Vông nằm trong vuông đất có diện tích có diện tích 1.132.92m2 thuộc ấp 4, xã Trung An, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, cửa miếu quay về hướng Bắc, cổng miếu quay về hướng Tây. Tổng thể ngôi miếu có diện tích 157.48m2 gồm: võ ca 47.08m2 (nơi nhân dân tề tựu trước khi vào chánh điện hành lễ), chánh điện 41.28m2 (là nơi thờ thần), nhà hậu 29.35m2, nhà bếp 39.77m2, nhìn tổng thể toàn cục Miếu Cây Vông xây dựng theo kiểu chữ nhị (=).

Cổng miếu làm bằng bê tông, khoảng cách giữa hai trụ cổng rộng 03m, cột cổng cao 2,80m vuông 35cm x 35cm. Cổng miếu sơn màu đỏ, bên trên có biển hiệu ghi dòng chữ  “MIẾU CÂY VÔNG” và dòng chữ Miếu Thổ Thần. Hai cột cổng có ghi hai câu đối:

“Thổ vượng gia nhân tòng thử vượng

Thần an địa chủ tự nhiên an”.

Cổng vào Miếu Cây Vông

Qua cổng vào khuôn viên, phía trước miếu có bốn cây me, trong đó có một gốc me có thờ Thổ địa, Thần tài….

Võ ca là nơi các chức sắc và nhân dân tề tựu trước khi vào chánh điện hành lễ, đây là ngôi nhà được xây dựng với nền cao 35cm so với mặt sân đường, nền lát gạch men trắng xám, mái lợp tôn. Võ ca có tổng cộng 12 cột gỗ: cột cái cao 3,9m vuông 15cm x15cm, cột hàng nhì cao 3,2m.

Ngăn cách võ ca với chánh điện là hệ thống cửa song sắt, chánh điện là một ngôi nhà được xây dựng theo kiểu tứ trụ, mái lợp tôn fipro, nền lát gạch men màu vàng nhạt, cột cái chánh điện cao 3,70m (tính luôn táng kê cột) vuông 25cm x 25cm cột gỗ, táng kê 30cm bằng gốm cổ bồng màu xanh lam, cao từ thượng lương chánh điện đến mặt nền 4,15m.         

Chánh điện có 05 nghi thờ: nghi giữa thờ Thổ Thần, bên hữu thờ Bà Chúa Xứ, bên tả thờ Ngũ Hành, hai bên hông vách thờ Tiền Hiền và Hậu Hiền. 

Miếu Cây Vông tính đến nay đã hơn 240 năm hình thành và tồn tại, do quá trình phát triển, nhiều lần trùng tu sửa chữa nên miếu có nhiều thay đổi từ một miếu bằng tre lá thô sơ nay có một cơ ngơi khang trang hơn 150m2 . Do ảnh hưởng của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ nên miếu bị hư hại nặng. Đến năm 1996, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là phải giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chính quyền xã, Ban hội hương Miếu Cây Vông cùng với nhân dân địa phương đã vận động tiền của để tu bổ, sửa chữa lại miếu khang trang hơn góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của tỉnh nhà. Hiện miếu  còn 80% giá trị sử dụng, còn lưu giữ những di vật có giá trị như: chuông đồng, chiên, trống, lư thau, liễn…

Di tích Miếu Cây Vông thuộc ấp 4, xã Trung An, thành phố Mỹ Tho ngoài chức năng là thờ Thổ Thần và những vị tiền hiền có công khai khẩn lập làng lập ấp còn là cơ sở hoạt động cách mạng vững chắc của quân dân xã Trung An trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Bên cạnh đó, miếu vẫn còn giữ được những nghi tiết tế cúng bái đặc sắc. Hàng năm vào ngày 15- 16 tháng 02 âm lịch lệ Kỳ yên cúng Miếu Cây Vông thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài vùng đến cúng tế và vui chơi giải trí.

Di tích Miếu Cây Vông được UBND tỉnh Tiền Giang xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2013. Việc công nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh của Miếu Cây Vông, là niềm vui, niềm tự hào của nhân dân xã Trung An về một cơ sở thờ tự được công nhận di tích lịch sử. Trong thời gian tới, Ban phụng sự Miếu Cây Vông sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động của miếu mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc gắn với tôn tạo cảnh quan của miếu ngày càng khang trang, sạch đẹp để phục vụ tốt hơn đời sống tâm linh thờ cúng tín ngưỡng dân gian của cộng đồng dân cư; đồng thời là nơi góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ…/.

Kim Loan

 


  • Đang online:
  • Tổng lượt truy cập: