Di tích – lịch sử - văn hoá: Chùa Ông (Phường 8) thành phố Mỹ Tho
Phóng to Thu nhỏ In

Người Hoa là một bộ phận trong cộng đồng toàn thể các dân tộc nước ta. Người Hoa ở Tiền Giang đã góp phần trong công cuộc gìn giữ và xây dựng quê hương đất nước Tiền Giang giàu đẹp như hôm nay. Và ở Phường 8 thành phố Mỹ Tho có ngôi chùa Ông của người Hoa tồn tại hàng trăm năm. Chùa Ông trước đây còn có tên là Toàn Bửu hội quán được xây dựng năm 1769, là trụ sở của người Minh Hương, sau đó là Thất Phủ và cuối cùng là Năm Bang. Đến năm 1882, số lượng người Hoa ở Mỹ Tho tăng cao họ đã thành lập nhiều hội quán khác như Quãng Triệu hội quán …

Năm 1925, Toàn Bửu hội quán được trùng tu lại và đổi tên là Quan Đế cổ Miếu là hội quán của hai bang Phước Kiến và Triều Châu. Về sau nhân dân gọi là Chùa Ông cho đến ngày nay.

         Do nằm ngay chợ trung tâm của thành phố nên đường đi đến di tích bằng ô tô rất thuận lợi, từ Ngã ba Trung Lương vào đường Ấp Bắc,  đường Nguyễn Trãi, qua cầu Nguyễn Trãi rẽ phải đường Nguyễn Trung Trực đi 100m đến chợ Cũ là đến di tích. Với vị trí hiện nay chùa Ông có đầy đủ các yếu tố để mở tour du lịch tham quan văn hóa người Hoa. Di tích này chỉ cách chùa Vĩnh Tràng 300m về phía bắc, chùa Bửu Lâm 400m về phí tây bắc (ngay dốc cầu Nguyễn Trãi)

Mặt tiền Chùa Ông

Cũng như người Việt lập đình, người Hoa lập miếu để thờ các thần linh gồm: Phước Đức Chánh Trần (là vị thần chủ quản xã, thôn, bang hội giống như thần Thành Hoàng), Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu. Miếu còn là nơi hội họp đồng hương, nơi tổ chức lễ hội, vui chơi,… đồng thời cũng là trụ sở của Hội tương tế, giúp đỡ bà con người Hoa trong cộng đồng khi có thiên tai hoạn nạn. Chùa Ông phường 8 là di tích thuộc loại hình kiến trúc có giá trị di tích lịch sử văn hóa dân tộc. Đây là một trong những công trình kiến trúc văn hóa của cộng đồng người Hoa được xây dựng khá sớm có niên đại thế kỷ 17 ở Mỹ Tho và chứng minh cho sự phát triển rực rỡ của vùng đất Mỹ Tho vào những năm đầu thế kỷ 17.

Chánh điện

 

Di tích chùa Ông phường 8 là một công trình kiến trúc rất độc đáo còn bảo tồn nhiều di vật quý hiếm của cộng đồng người Hoa ở Tiền Giang có giá trị cao về kinh tế, văn hóa xã hội, giúp rất nhiều cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu về văn hóa vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng người Hoa tại Tiền Giang.

- Về mặt kiến trúc.

Chùa Ông phường 8 là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật của người Hoa ở Tiền Giang có quy mô lớn và có giá trị nghệ thuật của thế kỷ 17 còn tồn tại cho hôm nay.

        Chùa Ông được khởi công xây dựng vào năm 1769 mới đầu chỉ là một miếu nhỏ, qua nhiều lần tu bổ, hiện nay có tổng diện tích 908,72m2, nhìn về tổng thể chùa được xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc” gồm tiền sảnh nhà cầu và chánh điện tạo hình chữ công bên trong, bên ngoài được bao bọc bởi các vách tường khép kính hình chữ quốc.

Tiền sảnh mái lợp ngói âm dương đỡ mái là hai vách tường hai đầu song, bên trong là hai cột tròn sơn son, cột ngay cửa bằng đá thanh. Bên trên thượng lương tiền sảnh trang trí giữa lưỡng long tranh châu, hai đầu hồi cá hóa long. Bên dưới mặt tiền sảnh trang trí trên mặt cửa hai bên ảnh Quan Bình ,Châu Sương , bên trên đố cửa trang trí hoa văn, tùng, lộc và các tích của truyện tàu.

Nối liền tiền sảnh và chánh điện nhà cầu cất theo dạng tứ trụ cột vuông 25x25cm, kê trên táng cổ bồng, nền loát gạch tàu, đỡ đòn tay mái ngói là những giả thủ thay thế cho kèo. Hai bên hong nhà cầu là sân thiên tỉnh “hữu Thanh long, tả Bạch hổ” bố trí  sân thiên tỉnh hai giếng nước và cây cảnh, hòn non bộ.

Bước vào trong chánh điện phía trước là tiền đường đỡ mái là bốn cột gỗ tròn, sơn son đỏ chói được kê trên táng đá cổ bồng, đỡ cho mái tiền đường là hệ thống giả thủ, mái lợp ngói âm dương.

Qua nhà Tiền đường là Chánh điện nơi thờ chính của chùa. Chánh điện được cất theo kiểu nhà rường giả thủ không có kèo (đỡ các đòn tay là hệ thống giả thủ), đặc biệt ở đây là xiên dọc suốt từ trước ra sau, xiên ngang từ trái qua phải (liền một cây gỗ), đỡ mái ngói chánh điện là hệ thống cột gỗ gồm 16 cây, chu vi cột cái 140cm, cao 6,5, toàn bộ cột chánh điện được kê trên táng đá hoa cương  cổ bồng cao 50cm. Mái được lợp ngói âm dương (lớp trên là ngói ống), nền loát gạch tàu lúc ban đầu, lần trùng tu năm 1999- 2000 được thay thế bằng gạch tráng men.

Phía trong cùng của chánh điện ở gian giữa là bàn thờ Quan Thánh Đế Quân (Quang Công) tượng ngồi, bằng gỗ cao 140cm, ngang 85cm được sơn son thếp vàng. Phía trước tượng thờ Quan Công hai bên là hai tượng Quan Bình và Châu Sương bằng gỗ tư thế đứng cao 130cm.

Bàn thờ Quan Thánh Đế Quân (Quang Công)

Gian bên tay trái từ ngoài nhìn vào Bàn thờ Thiên Hậu, có 05 tượng, một bằng đá và 04 tượng bằng gỗ cao 70cm. Giang bên tay phải là bàn thờ Ông Bổn (Phước Đức) tượng cao 90cm.

Phía trước các bàn thờ tên cột là những bao lam chạm trổ khá công phu với các tích trong  truyện cổ của Trung quốc và trong đạo Nho, Lão như tứ linh, tứ quý, Bát tiên v.v. hầu hết được sơn son thép vàng. Ngoài ra còn trang trí các bộ binh khí bằng đồng thao và bằng gỗ và nhiều cổ vật khác có niên đại thế kỷ 18,19, được chế tác từ Trung quốc chở sang.

Nhìn chung trang trí Chùa Ông phường 8 mang đậm bản sắc văn hóa Người Hoa dược thể hiện rõ nét nhất là các hình tượng trang trí, trên các bao lam, các khám thờ, trên kèo cột xiên trính, thể hiện bằng các họa tiết lấy trong các tích truyện tàu. Nổi bật nhất là sự thể hiện qua màu nước sơn của công trình màu đỏ là chủ đạo. 

Để phát huy giá trị lịch sử văn hóa của di tích cộng đồng người Hoa Mỹ Tho nói riêng và các tầng lớp nhân dân Mỹ Tho chung, cần xây dựng nơi đây trở thành một cơ sở thờ tự văn hóa và thành điểm tham quan nghiên cứu về văn hóa người Hoa tại Tiền Giang. Chùa Ông được Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 24/12/2009./.

                                                                           

                                                                                 Kim Loan


  • Đang online:
  • Tổng lượt truy cập: