Di tích đình Mỹ Phong tọa lạc tại ấp Hội Gia (xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho), trong khu vực dân cư, cạnh quốc lộ 50 nên đường đi đến di tích bằng phương tiện ô tô rất thuận lợi. Từ ngã ba Trung Lương đi về hướng thành phố Hồ Chí Minh 200m, rẽ phải vào quốc lộ 50, đi về hướng Gò Công 03km rẽ phải 800 m là đến di tích.
Di tích đình Mỹ Phong xưa, ngoài chức năng hành chánh, đình Mỹ Phong từ khi mới thành lập và trải qua nhiều lần tu sửa đình vẫn là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng của làng, và đã trở thành thực thể văn hóa làng xã. Đặc biệt là trong các lệ cúng kỳ yên 17/3 âm lịch, hạ điền 17/5 âm lịch, thượng điền 17/11 âm lịch và giỗ chiến sĩ 17/1 thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tề tụ về chiêm bái thần và tưởng nhớ anh linh các chiến sĩ hy sinh bảo vệ tổ quốc.
Theo các sắc phong của vua Thiệu Trị (1845), vua Tự Đức (1850) còn lưu giữ ở đình và các vị cao niên trong xã, đình Mỹ Phong xưa được thành lập vào thế kỷ XIX theo trục Đông – Tây. Đình xưa cửa quay về hướng tây, ngày nay do điều kiện đường sông không thuận lợi đường bộ phát triển cho nên cửa đình được mở về hướng bắc để dễ dàng trong việc đi lại.
Tổng thể di tích đình Mỹ Phong được xây dựng với diện tích 383m2 gồm 04 hạng mục: cổng đình, võ ca, chánh điện và nhà khói.
Cổng “Đình Mỹ Phong” được viết bằng chữ Hán xen lẫn hoa văn đôi rồng phun ngọc.
Cổng đình là hạn mục được xây dựng năm 2010 bằng bê tông cao 4m, rộng 2,5m, mái lợp ngói móc (ngói tây), bên trên chạm đề tài “Lưỡng long tranh châu”, bên dưới là bảng hiệu “Đình Mỹ Phong” được viết bằng chữ Hán xen lẫn hoa văn đôi rồng phun ngọc. Hai bên trụ cổng trang trí đôi câu đối chữ Hán với nội dung:
“Mỹ lai an lạc gia đường thạnh
Phong thuận vũ điều bá tánh hưng”.
với ý cầu mong mưa thuận gió hòa và bá tánh được bình an.
Theo hướng cửa đình xưa, bên phải từ ngoài nhìn vào là miếu thờ “Ngũ phương thổ công”; Bên trái là miếu thờ “Bạch mã thái giám” làm bằng xi măng có diện tích 05m2, cao 2,25m được xây dựng năm 1935 đến tháng 3 năm 2010 hai bờ mái hai miếu trang trí lân sứ, giữa hai miếu “Ngũ phương thổ công” và “Bạch mã thái giám” là miếu thờ bà Chúa xứ được làm bằng xi măng bố trí ảnh thờ trang nghiêm.
Trước khi bước vào Võ ca đình là vòng thành bê tông đặt bàn thờ thần nông, tả ban, hữu ban được xây dựng năm 1942 có diện tích 50m2, vòng thành dày 35cm bờ nóc trang trí cá hóa long, trái châu, gốm men xanh, bờ mái bàn thờ trang trí đầu rồng đắp nổi bằng xi măng rất sinh động.
Võ ca là ngôi nhà nền cao 40cm so với mặt đất có diện tích 144m2, xây dựng theo dạng tứ trụ, gồm có 20 cột bê tông vuông (trong đó 04 cột bê tông 15cm x 15cm cao 4m và 16 cột hàng nhì 10cm x 10cm, cao 03m) mái lợp tole fifro, nền tráng xi măng. Gian giữa Võ ca là sân khấu hát bội được làm bằng xi măng có diện tích 18m2 cao 70cm hai bên sân khấu hát bội trang trí 02 tranh kiếng hổ. Bên trên xiên ngang Võ ca là hoành phi bằng xi măng nền đỏ, viền vàng, chữ vàng có nội dung “Thần Kỳ Thính Chi” độc đáo.
Qua võ ca là chánh điện cũng xây dựng theo kiểu tứ trụ ba gian hai chái đỡ mái là hệ thống cột kèo bằng bê tông, mái lợp ngói âm dương theo kiểu Cần Thơ. Chánh điện gồm có 20 cột bằng bê tông, 04 cột tròn chu vi 01m; 16 cột vuông xung quanh tường 18cm x 18cm, nền chánh điện được lót bằng gạch tráng men, bó nền bằng xi măng cẩn đá chẻ dài trông rất vững chắc.
Bên trong chánh điện: hai cột gian giữa chánh điện từ ngoài cửa đình nhìn vào có một đôi liễn viết bằng chữ Nôm có nội dung:
“Đình tiền đương thỉnh thánh hội hương tăng hưng vượng,
Chánh kỷ niệm cầu thần nhân dân đắc an khương ”.
Bên trong chánh điện là 07 bàn thờ : Bàn thờ Thần, bàn thờ tả hữu ban, tiền hậu hiền, bàn thờ Bác Hồ, bàn thờ chiến sĩ được bày trí rất độc đáo với các vế đối có nội dung và ý nghĩa thể hiện ước vọng cầu được no đủ, yên lành trong lao động cũng như trong đời sống tâm linh của nhân dân trong xã.
Đình Mỹ Phong còn là cơ sở cách mạng của địa phương qua 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Năm 1940, khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra, tại đình, Chi bộ Đảng xã Mỹ Phong đã tổ chức lãnh đạo quần chúng nổi dậy đánh trống, mõ, đắp chướng ngại vật giao thông áp đảo tinh thần địch.
Tháng 8-1945, đình là trụ sở của tổ chức Thanh niên Tiền Phong
Năm 1946, thực dân Pháp tái chiếm tỉnh Mỹ Tho. Thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, không để cho địch trưng dụng ngôi đình làm đồn bót, nhân dân đã đốt cháy đình (chỉ còn đàn thần nông và 2 miếu thờ Bạch Mã Thái Giám và Ngũ Phương Thổ Công).
Năm 1959 để có nơi sinh hoạt tín ngưỡng, nhân dân trong làng đã góp công, góp của xây dựng lại đình. Từ năm 1957 đến 1968, đình là nơi tập trung các lực lượng quần chúng các ấp hội họp, thảo luận các phương pháp đánh địch; là trạm y tế tiền phương của Tiểu đoàn 514 trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968...
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đình Mỹ Phong thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, Tiền Hiền khai khẩn, Hậu Hiền khai cơ, thờ liệt sĩ và là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân trong xã. Năm 2012, đình Mỹ Phong được UBND tỉnh Tiền Giang ra quyết định công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Di tích đình Mỹ Phong là cơ sở cách mạng vững chắc của địa phương qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Bên cạnh đó sự tồn tại của đình Mỹ Phong đã góp phần đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân trong xã và làm phong phú thêm di sản văn hóa của thành phố Mỹ Tho nói riêng và của tỉnh Tiền Giang nói chung.
Kim Loan