Tiền Giang không chỉ có cây lành trái ngọt mà đây còn là một vùng đất lịch sử ghi dấu sự yêu nước hào hùng, nơi của địa linh nhân kiệt và nhũng con người giàu truyền thống anh hùng bất khuất.
Trận đánh Bờ Cộ năm 1968 tại ấp Long Hưng, xã Phước Thạnh, thành phố Mỹ Tho là trận đánh diệt lực lượng Lữ đoàn 2, Sư đoàn 9 quân đội Mỹ trong cuộc hành quân bộ binh kết hợp xe thiết giáp M.113 mang biệt danh "Coronado" của Tiểu đoàn 263, Tiểu đoàn 265. Trận đánh có ý nghĩa quan trọng trong cao điểm 1, làm tiêu hao nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Lữ đoàn 2, Sư đoàn 9 quân đội Mỹ, làm chùn bước các cuộc hành quân phản kích của địch, khi lực lượng ta đang bám vùng ven thành phố.
Khoảng 10 giờ, ngày 7/2/1968, hai Chi đoàn xe M.113 (khoảng 20 chiếc) chở bộ binh của Lữ đoàn 2, Sư đoàn 9 Mỹ được sự hỗ trợ của máy bay trinh sát từ ngã tư Chợ Bưng chạy đến thửa ruộng ông Bảy Quân và thửa ruộng ông Cai tiến vào trận địa phòng ngự của Đại đội 2, Tiểu đoàn 263 đóng quân từ Bờ Cộ đến đất ruộng vườn ông Bộ Luốt. Khi phát hiện địch, được lệnh của Đại đội trưởng Đại đội 2, tổ đánh địch từ xa chốt tại bờ mẫu ruộng có trồng chuối (ruộng Một Còn), bí mật nhanh chóng vận động lên Gò Cải rồi bám ra bờ ruộng (ngăn cách tại ruộng Hai Thời và Bảy Quân). Cùng lúc này các tổ hỏa lực B40, B41 của Đại đội 2 ở trận địa phòng ngự chính cũng bí mật, nhanh chóng vận động ra Gò Cải, Gò Chùa và nhanh chóng triển khai sẵn sàng bắn diệt M.113 chở bộ binh địch trên đường hành quân. Khi tiến đến gần ngang Gò Cải, hỏa lực B40, B41 bắn diệt các xe đi đầu cũng là lúc các tổ hỏa lực của ta bám bờ ruộng (ngăn cách giữa ruộng Hai Thời và Bảy Quân) nổ súng. Ngay từ những phát hỏa lực đầu tiên, xe địch đã bị cháy và hư 6 chiếc, trên thửa ruộng ông Bảy Quân và trên thửa ruộng ông Cai Sỏi, những chiếc còn lại vội vàng lùi ra cách trận địa ta khoảng 500m bắn vào, bên cạnh đó, địch cho pháo binh bắn cấp tập vào trận địa của ta. Khoảng 1 giờ sau, địch cho máy bay ném bom xăng, bom đìa vào ven vườn cặp theo rạch Bến Chùa gây thiệt hại nặng về người và nhà của nhân dân.
Cùng thời điểm này, địch cho tăng cường 1 Chiến đoàn, 1 Chi đoàn xe thiết giáp M.113 đến cách trận địa khoảng 700m dùng hỏa lực bắn vào trận địa của ta. Khi Tiểu đoàn 263 nổ súng đánh địch, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 265 lệnh cho tổ trinh sát đang chốt trên hướng tăng cường quan sát mọi hoạt động của địch, nếu chúng có ý định đổ quân từ lộ 4 đánh vào thì kịp thời báo cáo về cho Ban chỉ huy Tiểu đoàn, đồng thời lệnh các Đại đội sẵn sàng đánh địch. Cùng lúc này máy bay địch quần đảo trên bầu trời nơi trinh sát trận địa ta đóng quân. Đến khoảng 13 giờ, địch dùng trực thăng bắn dọn bãi và cho đổ quân trên khu ruộng Ba Tôn cách ngay phía trước trận địa phòng ngự của Đại đội 2, Tiểu đoàn 265 khoảng 80 - 100m. Trong điều kiện thuận lợi, toàn đơn vị đồng loạt nổ súng diệt máy bay địch khi đổ quân, bị trúng đạn chúng phải vội vàng bay lên, một chiếc rớt tại ruộng ông Hai To, cách tiền duyên phòng ngự của ta khoảng 350m, một chiếc rớt khu vườn bà Năm Tơ (nay của ông Tư Miên ở ấp Long Tường).
Lực lượng Lữ đoàn 2, Sư đoàn 9 quân đội Mỹ vừa đổ quân bị đánh phủ đầu, chúng bắn pháo khói ngụy trang, đồng thời dập pháo vào đội hình phòng ngự của ta, sau đó chúng cho máy bay trực thăng thả bom hơi ngạt. Cùng lúc chúng vội vàng điều 2 Chi đội xe thiết giáp M.113 đang chốt chặn ở ấp Long Hưng sang tăng viện. Xe thiết giáp từ lộ 4 đánh vào nhưng toàn đơn vị của ta đã lui về trận địa phòng ngự chính và lui sát xuống mé rạch Bến Chùa tiếp tục đối phó với khói ngạt của địch để sẵn sàng đánh địch khi chúng tiến vào. Sau khi tiến vào đến công sự tiền duyên của ta thì chúng dừng lại và dùng hỏa lực trên xe M.113 bắn vào. Đến tối, Tiểu đoàn 263 hành quân cặp theo ven vườn phía nam rạch Bến Chùa rút về Long Định.
DIỄN BIẾN CHIẾN ĐẦU TRẬN PHÒNG NGỰ CHỐNG CÀN
TẠI ẤP LONG HƯNG, LONG THỚI, HUYỆN CHÂU THÀNH TỈNH MỸ THO
CỦA TIỂU ĐOÀN 263, TIỂU ĐOÀN 265
Ngày 7 tháng 2năm 1968 (Ngày 10 tháng Giêng, Mậu Thân)
Kết quả: Địch bị cháy và hư 7 xe M.113, rơi 2 máy bay trực thăng. Về phía ta, Tiểu đoàn 263 hy sinh 9 đồng chí, Tiểu đoàn 265 hy sinh 21 đồng chí; nhân dân chết 11 người, cháy và sập 18 căn nhà. Nhằm tưởng nhớ đến công lao của bộ đội hy sinh và nhân dân tử nạn trong trận đánh, cách đây khoảng 30 năm, cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng, nhân dân tại khu vực đường Bờ Cộ, ấp Long Hưng tự vận động, đóng góp tổ chức giỗ hội nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã có công giữ nước. Những năm gần đây, đời sống nhân dân khá lên và được sự đóng góp của nhiều mạnh thường quân nên quy mô của lễ giỗ ngày được tổ chức trang trọng và được người dân tham gia đông hơn.
Địa điểm trận đánh Bờ Cộ được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang công nhận di tích cấp tỉnh vào ngày 17/7/2019 để tưởng nhớ đến công lao của các chiến sĩ hy sinh, nhân dân tử nạn và giáo dục truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Kim Loan
(Tư liệu Phòng VHTT)