Đình Phú Hội nằm cách trung tâm thành phố Mỹ Tho 500m về hướng đông, cách quốc lộ 50 1km về phía tây. Di tích nằm trong khu vực dân cư (Chợ Cũ) trước đây thuộc làng Phú Hội, tổng Thạnh Phong, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường.
Nguyên vào năm 1820 cuộc sống ổn định để giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, để thờ cúng thần Thành Hoàng làng và các vị thần linh mà họ tín ngưỡng và để tiện lợi trong sinh hoạt tín ngưỡng, tổ chức hội hợp cúng bái ở đình, nhân dân làng Phú Hội xây dựng đình Phú Hội ,đồng thời ở làng Mỹ Chánh cũng xây dựng đình Mỹ Chánh. Đầu thế kỷ XX, hai làng Phú Hội và Mỹ Chánh sáp nhập thành làng Hội Mỹ, để không nhằm lẫn trong một làng có hai ngôi đình, khi trùng tu đình Phú Hội năm ( 1912;1913 còn ghi trên 2 cột cái gian giữa chánh điện đình), nhân dân đã đặt tên chữ “Phú Hội Đình” ngay trên bảng đại tự của đình để phân biệt với đình Mỹ Chánh trong làng Hội Mỹ.
Bên trong Chánh điện
Đình Phú Hội tọa lạc trên đường Trần Nguyên Hãn, khu phố 8, phường 8, thành phố Mỹ Tho là loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật. Nhìn chung đình Phú Hội có bố cục xây dựng và chất liệu theo truyền thống dân tộc.
Về bố cục xây dựng: đình Phú Hội, Trước đây xây dựng theo dạng chử tam(≡). Hệ thống kèo cột xiên trính, chánh điện được xây dựng theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái đây là kiểu xây dựng đặc trưng cho các công trình đình chùa ở miền Nam trong các thể kỷ gần đây.
Về kết cấu vật liệu: Đình Phú Hội được xây dựng bằng các vật liệu truyền thống như gỗ, đá, gạch, ngói…chất liệu kết dính bằng xi măng (trước đây là ô dước)
Nằm trên thửa đất rộng hơn 300m2 trong khu dân cư, đình được xây dựng theo trục ngang Đông - Tây cửa quay về hướng Tây xung quanh 3 mặt Đông –Tây - Nam giáp nhà dân, riêng mặt Bắc giáp đường Trần Nguyên Hãn.
Với diện tích xây dựng 291 m2 gồm hai hạng mục: chánh điện và nhà khói.
Cổng đình được xây dựng bằng xi măng. Qua cổng đình vào trong bàn thờ Thần Nông bên trái và bàn thờ Thần Hổ bên phải được xây dựng bằng xi măng lót gạch tráng men xanh.
Chánh điện là ngôi nhà 3 gian 2 chái có kết cấu kèo, cột, theo kiểu nhà Rường, mái lợp ngói âm dương, hệ thống đỡ mái gốm 30 cột (trong đó có 18 cột gỗ tròn, và 12 cột bê tông chung quanh mái hiên. cột gỗ được kê trên táng đá vuông 50x50cm, cột cái chánh điện 5,1m. Đường kính 30cm, cột hàng nhì cao 4m đường kính 30cm loại thứ hai là cột được xây dựng bằng xi măng có kích thước 30 x 30 cm chạy xung quanh mái hiên, đầu cột không có ốp hoa văn. Nền chánh điện cao 30cm, bó nền bằng gạch thẻ, mặt nền được lót gạch tráng men 50x50cm (trước đây lót gạch tàu 40x40cm). Nhà chánh điện được xây tường bao bọc có lam thông gió.
Nhà khói là hạng mục được xây dựng hoàn toàn bằng xi măng cột bêtông cốt thép, mái lợp tole fifro, nền tráng xi măng.
Các mảng chạm khắc trang trí trong Đình Phú Hội:
Trang trí bên ngoài.
Đáng kể nhất là hai đầu hồi và trên các con lương bờ nóc chánh điện.Trên con lương bờ nóc chánh điện trang trí lưởng long tranh châu bằng gốm men xanh, thế kỷ 19 đầu 20. Hai đầu hồi trang trí cá hóa long, trên bờ nóc con lương chạy xuống mái phần trên trang trí kỳ lân gốm men xanh thời Nguyễn, phần dưới cuối mái trang trí cá hóa long và hoa văn dây lá rất sinh động.
Mái ngói và phía trước cổng Đình
Trang trí bên trong (trên gỗ).
Các họa tiết và hoa văn được tập trung trang trí trên các xiên, trính, đuôi kèo, các thanh xà, cả bao lam, bàn thờ, khám thờ trong chánh điện.
Chánh điện là một công trình kiến trúc được kết cấu theo kiểu nhà Rường xiên trính, các thanh xiên, thanh kèo, trính, thanh xà có tiết diện khá lớn được trang trí chủ yếu hoa văn ở ba mặt dưới nhìn lên qua các khuôn chạm và đầu kèo, đuôi kèo khá công phu, đở các thanh trính ở các đầu cột là những mặt bộm.
Trang trí trên kèo chánh điện: cả một thân kèo dài trang trí hình võ đậu, cuối đầu kèo hình mang cá được chạm trổ rất độc đáo.
Mặt dưới những thanh xà có các khuôn chạm những họa tiết hoa lan, chùm nho, con sóc, dơi rất sinh động.
Trên xiên ngang chánh điện có 9 khuôn chạm với các đề tài như hoa cúc ở gian giữa, hai gian hai bên chạm đề tài tứ quý và cách điệu chữ song hỷ, riêng hai cột gian giữa chánh điện từ ngoài cửa đình nhìn vào có một đôi liễn viết bằng chữ quốc ngữ mang nội dung:
“Đăng cao vọng tiên quân khai kiệt tợ nhi tôn
Thất thủy khai cơ tứ cố sơn hà quy ban tích”
*Trang trí trên các bàn thờ,bao lam các bài vị thờ.
Bao lam được sơn son thếp vàng chạm khắc các họa tiết hoa cúc và tứ quý, bàn thờ sơn son thếp vàng, mặt chánh chạm đầu rồng hoặc đề tài long ẩn vân và các con vật khác trong tứ linh (long- lân –quy- phụng).Trên bao lam ba gian của đình đều chạm hoa cúc và chim trỉ, song phụng chầu hoa cúc, sóc, nho và bát bửu trong đạo lão.
Tóm lại, công trình kiến trúc đình Phú Hội tuy đã trải qua nhiều lần tu bổ ( năm 1912;1913;1973 ) nhưng vẫn giữ được vẽ đẹp kiến trúc truyền thống qua kết cấu kèo cột, cũng như chất liệu xây dựng của dân tộc ta gần hai trăm năm qua.
Kiến trúc bên trong đình
Đặc biệt với những hoa văn và hoa tiết trang trí ở đình Phú Hội được lấy từ những hình tượng và triết lý trong cuộc sống như: phật, lão, đạo đã thấm sâu vào đời sống tâm linh của dân tộc ta và được hình tượng hóa qua tứ linh, tứ quý, bát bửu… và các hình tượng này phần nào hàm ý cho sự giàu sang phú quý (Phú Hội) mong cho hạnh phúc tràn đầy, mưa thuận gió hoà trường tồn với thời gian.
Sự tồn tại của đình Phú Hội đã góp phần giải quyết một phần nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân trong vùng và làm phong phú thêm di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời đình còn là vật chứng một thời cho sự hình thành phát triển làng Phú Hội nói riêng và thành phố Mỹ Tho nói chung.
Trải qua hơn 190 năm tồn tại chịu nhiều ảnh hưởng của tự nhiên và chiến tranh, nhưng đình vẫn tồn tại và có một giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện rõ qua kết cấu vật liệu xây dựng và các họa tiết trang trí bên trong đình.
Đình Phú Hội được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 01/12/2010./.
Kim Loan