Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong thời gian qua, thành phố Mỹ Tho đã tập trung triển khai thực hiện và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia trong các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang được thành phố Mỹ Tho tích cực triển khai thực hiện để tạo “thương hiệu” cho các sản phẩm của địa phương, thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người nông dân.
Thời gian qua, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch chương trình OCOP đến các phường, xã và người dân trên địa bàn. Yêu cầu mỗi địa phương phải lựa chọn ít nhất một sản phẩm dựa trên cơ sở nền tảng các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn. Sau khi đã lựa chọn được đối tượng phù hợp, cơ quan chuyên môn của thành phố đã tư vấn cho chủ sở hữu sản phẩm thực hiện các khâu tiếp theo như: tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, hướng dẫn hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh, xây dựng các chuỗi sản xuất; tư vấn hỗ trợ thiết kế logo, mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm...
Tính đến nay, thành phố có 50 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó, có 24 sản phẩm đạt 03 sao, 26 sản phẩm đạt 04 sao. Các chủ thể được chứng nhận OCOP gồm: Công ty TNHH Thương mại HK (Phường 9), Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Trí Sơn (xã Đạo Thạnh), Cơ sở bánh, kẹo, mứt Anh Quí (Phường 8), Cơ sở nem - chả lụa Ngọc Thành (Phường 4), Cơ sở bưởi da xanh Huỳnh Thảo (xã Tân Mỹ Chánh), Công ty TNHH Nước uống Việt Hà Tiền Giang (xã Tân Mỹ Chánh), Cơ sở Sản xuất Thương mại - Dịch vụ quốc tế Dược Vương Cung (xã Tân Mỹ Chánh), Cơ sở kinh doanh Tương ớt Tân Ngọc Phượng (xã Phước Thạnh).
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã tạo hiệu ứng tích cực, tạo điều kiện phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhằm nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP, thành phố Mỹ Tho tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung Chương trình nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ và nhân dân, nhất là chủ thể sản xuất để hiểu rõ lợi ích, giá trị kinh tế tích cực trong Chương trình OCOP. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, tích cực tham gia hội chợ, hội thảo khoa học, diễn đàn trong và ngoài tỉnh nhằm giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và chủ hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm nhà phân phối, mở rộng thị trường. Thường xuyên kiểm tra thực tế sản xuất, tư vấn, hướng dẫn chủ thể phát triển sản phẩm tuân thủ các quy định theo bộ tiêu chí OCOP đã được đánh giá, công nhận. Tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP đã được công nhận tại các cơ sở sản xuất và các sản phẩm lưu thông trên thị trường; Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố đảm bảo đúng quy định.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tỉnh hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xác lập và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, ISO... Phối hợp các ngành tỉnh hỗ trợ chủ thể OCOP tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh thuộc các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước; các hoạt động kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP với các điểm bán lẻ, siêu thị, hệ thống phân phối. Tiếp tục phát triển, nâng cấp các điểm giới thiệu và bán hàng OCOP, sản phẩm tiềm năng của tỉnh gắn phát triển du lịch nhằm tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh. Xây dựng và triển khai dự án phát triển du lịch cộng đồng tại xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho gắn với phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và phát triển sản phẩm OCOP..
Có thể khẳng định, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là chương trình phát triển kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh và phát triển bền vững.
Hoạt động góp phần hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đối với chủ thể thực hiện OCOP là đoàn viên, thanh niên tại địa phương
Thanh Liêm thực hiện