LỊCH SỬ HÌNH THÀNH THÀNH PHỐ MỸ THO

------------

Theo nhiều tài liệu khoa học, thì đô thị Mỹ Tho được hình thành khá sớm và liên tục phát triển cho đến nay. Từ năm 1623 một bộ phận người Việt từ miền Bắc và miền Trung vào lập nghiệp ở vùng tả ngạn sông Bảo Định (Phường 2, xã Mỹ Phong, xã Tân Mỹ Chánh và Đạo Thạnh ngày nay). Đến năm 1679, có một nhóm khoảng 3.000 người Minh Hương được chúa Nguyễn cho định cư ở vùng đất này. Từ đây Mỹ Tho là Chợ phố lớn được lập ra ở làng Mỹ Chánh, huyện Kiến Hòa, mà theo cách gọi lúc bấy giờ là Mỹ Tho đại phố. Khu đại phố này kéo dài đến cầu Vĩ, Gò Cát (khu vực xã Mỹ Phong hiện nay). Vào cuối thế kỷ thứ XVII, Mỹ Tho đã trở thành một trong hai trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ lúc bấy giờ. Dấu ấn của đô thị Mỹ Tho trong lịch sử hình thành và phát triển 340 năm qua là phố thị, là những công trình kiến trúc, công trình quân sự... Những dấu ấn này nói lên sự phồn thịnh và vai trò của Mỹ Tho trong mối tương quan với những vùng đất mới (tức khu vực Tây - Nam bộ bây giờ). Trong quyển Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức mô tả sự phồn thịnh của Mỹ Tho đại phố như sau: "... Mỹ Tho đại phố có nhà ngói cột chạm, đình cao, chùa rộng ... ghe thuyền sông biển ở các ngã đến đậu đông đúc, làm thành một chốn đại đô hội, phồn hoa huyên náo ..." Vào năm 1808, trấn Định Tường được thành lập, Mỹ Tho vẫn là lỵ sở của trấn Định Tường.

Năm 1826, vua Minh Mạng lại cho dời lỵ sở trấn Định Tường sang phía Tây sông Bảo Định thuộc hai thôn Điều Hòa và Bình Tạo của huyện Kiến Hưng (nay thuộc Phường 1 và Phường 4), phủ Kiến An, tỉnh Định Tường. Trong thời kỳ Pháp, tại Mỹ Tho có đường xe lửa dài 70km Sài Gòn – Mỹ Tho, đây là tuyến đường sắt sớm nhất ở Đông Dương.
Với vai trò là trung tâm của tỉnh, trong hơn một thế kỷ qua, các phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân TP Mỹ Tho chống đế quốc xâm lược, liên tục nối tiếp nhau kết lại thành dòng chảy xuyên suốt chiều dài lịch sử đấu tranh của địa phương. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/201930) thì chỉ sau 2 tháng (tháng 4/1930) tại TP Mỹ Tho một số chi bộ đảng cũng được ra đời như: chi bộ Hảng Xáng, chi bộ trường Collégede My Tho (trường THPT Nguyễn Đình Chiểu hiện nay), chi bộ Xóm Dầu (Phường 3), chi bộ Hóc Đùn (xã Đạo Thạnh)…
Do vị trí và địa thết thuận lợi về đường sông cũng như đường bộ, Mỹ Tho trở thành trạm dừng chân đi về của nhiều cán bộ trong tỉnh. Đồng thời đây là trạm trung chuyển thư, tài liệu, báo chí bí mật của xứ ủy và Trung ương từ Sài Gòn, liên tỉnh miền Đông về các tỉnh miền Trung và Tây Nam bộ. Đặc biệt là trong cuộc Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940, Mỹ Tho được chọn là nơi đặt các trạm liên lạc của xứ ủy Nam kỳ ở ấp 8, xã Trung An; của tỉnh ủy ở ấp 3, xã Trung An và của liên tỉnh tại chùa Vĩnh Tràng xã Mỹ Phong.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thành phố Mỹ Tho đóng góp rất lớn sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng chung. Toàn thành phố có 1942 hộ liệt sĩ, 954 hộ thương binh; được Nhà nước tuyên dương nhân dân và lực lượng vũ trang, nhân dân thành phố Mỹ Tho anh hùng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Năm 1976, sau ngày thống nhất đất nước, thành phố Mỹ Tho được Chính phủ công nhận là đô thị loai III.
Năm 2005, Thành phố Mỹ Tho đựợc Chính phủ công nhận là đô thị loại II thuộc tỉnh Tiền Giang tại Quyết định số 248/TTg ngày 7 tháng 10 năm 2005. Và vào tháng 4 năm 2016, thành phố Mỹ Tho vinh dự được Chỉnh phủ công nhận đô thị loại I trực thuộc tỉnh Tiền Giang.  Thành phố Mỹ Tho là thành phố đạt chuẩn văn minh đô thị và hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Trước đây, thành phố Mỹ Tho có 17 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 11 phường và 6 xã.
Thực hiện Nghị quyết số 1202/NQ-UBTVQH15, ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 – 2025, thành phố Mỹ Tho thực hiện sáp nhập phường 1 và phường 7 thành một đơn vị hành chính mới với tên gọi là “phường 1”; phường 2, phường 3, phường 8 sáp nhập thành một đơn vị hành chính mới với tên gọi là Phường 2. Hiện nay, thành phố Mỹ Tho hiện có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 08 phường và 6 xã, với diện tích 8.154,08 ha và dân số trên 228.109 người.
Một trong những truyền thống tốt đẹp của Mỹ Tho phải kể đến tinh thần hiếu học. Ở Mỹ Tho có ngôi trường Trung học Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu tiền thân là trường Collé de My Tho được thực dân Pháp thành lập vào năm 1879 - là trường trung học đầu tiên ở đất Nam Kỳ. Nơi đây đã sản sinh ra vô số những cái tên kiệt xuất ở nhiều lĩnh vực như: Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Hùng, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Hưởng, Bộ trưởng Bộ Canh nông Ngô Tấn Nhơn, nhà văn Hồ Biểu Chánh, nhà báo Nguyễn An Ninh, Thiếu tướng- Giáo sư Trần Đại Nghĩa, soạn giả Cải lương Nguyễn Thành Châu- Năm Châu… Cụ thể như Phó Giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân Tạ Văn Trầm – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang là một người con sinh sống, học tập và làm việc tại vùng đất Mỹ Tho này là cựu học sinh trường Trung học Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu. Là một trí thức tiêu biểu ông Tạ  Văn Trầm đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực y học. Chia sẻ về cảm nhận của bản thân đối với những đổi thay của thành phố Mỹ Tho Phó Giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân Tạ Văn Trầm cho biết: "Mỹ Tho đổi mới từng ngày, Mỹ Tho có nhiều công trình, dự án làm cho bộ mặt thành phố phát triển theo hướng văn minh hiện đại như: đường Hùng Vương và khu dân cư đường Hùng Vương, Quảng trường Trung tâm tỉnh Tiền Giang, kè Sông Tiền và khu dân cư dọc Sông Tiền, dự án Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang với quy mô 1.000 giường bệnh... Bên cạnh việc chỉnh trang đô thị thì về đời sống nhân dân cũng được nâng cao đáng kể, nhiều nhà cửa khang trang được xây dựng, người dân quan tâm hơn đến giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí. Riêng với bản thân là một trí thức công tác trong ngành y tôi luôn muốn cống hiến hết mình phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nhất là người dân quê hương Mỹ Tho mình."  
TP Mỹ Tho còn là thành phố năng động về phát triển kinh tế. Hàng năm, tăng trưởng kinh tế duy trì với tốc độ trên 12,4%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng; cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; trình độ dân trí có bước phát triển, công tác giảm nghèo vượt mục tiêu đề ra. Trên địa bàn thành phố Mỹ Tho hiện có Khu công nghiệp Mỹ Tho, Cụm công nghiệp Trung An và Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Tân Mỹ Chánh, với tổng diện tích 120,47ha và tổng vốn đầu tư 270,9 tỷ đồng. Toàn thành phố có trên 1.500 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 10 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. TP Mỹ Tho hiện có 13 chợ, trung tâm thương mại, 4 siêu thị và trung tâm mua sắm.
Du lịch là một loại hình dịch vụ mà TP Mỹ Tho tập trung đầu tư phát triển những năm gần đây. Du lịch sinh thái, miệt vườn là lợi thế của TP Mỹ Tho, bởi cảnh quan đặc thù về sông nước và các vườn cây ăn trái quanh năm. Trong tuyến du lịch lữ hành về vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thì TP Mỹ Tho là trạm dừng chân đầu tiên để du lịch tham quan của du khách trong và ngoài nước. TP Mỹ Tho có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, trong đó chùa Bửu Lâm, chùa Vĩnh Tràng, đình Điều Hòa là những di tích văn hoá - lịch sử cấp gia. TP Mỹ Tho còn có 13 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh là những điểm thu hút khách du lịch, du khảo. Ẩm thực và các làng nghề truyền thống cũng là những yếu tố để phát triển dịch vụ du lịch ở TP Mỹ Tho. Hàng năm có khoảng 6.000 lượt khách du lịch, trong đó có gần 70% khách quốc tế đến thành phố Mỹ Tho. Để đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách, TP Mỹ Tho có 124 cơ sở lưu trú du lịch gồm: 1 khách sạn đạt chuẩn 4 sao (Mekong Mỹ Tho) với 114 phòng, 1 khách sạn đạt chuẩn 3 sao (Cửu Long) với 65 phòng, 8 khách sạn đạt chuẩn 2 sao, 32 khách sạn đạt chuẩn 1 sao, 80 nhà nghỉ và 4 homestay .
Thực hiện Đề án xây dựng thành phố Mỹ Tho thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, bước đầu, thành phố Mỹ Tho đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, 100% cán bộ, công chức, viên chức thành phố và UBND phường, xã đều được trang bị máy tính có kết nối mạng nội bộ, mạng Internet, mạng chuyên dùng để sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin; hiện nay thành phố thực hiện xây dựng mô hình chính quyền điện tử cấp xã tại Phường 4; trên 70% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng email công vụ thường xuyên để trao đổi thông tin qua mạng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; 32 đơn vị được cấp chứng thư số; nhiều người dân đã sử dụng dịch vụ công trực tuyến để nộp hồ sơ thủ tục hành chính; đã lắp đặt 2 hệ thống camera an ninh trên địa bàn Phường 2 và Phường 1 với 46 điểm 70 camera với tổng kinh phí hơn 971 triệu đồng – đây là những camera thông minh giúp ngành chức năng giám sát biển số xe, nhận diện khuôn mặt nhằm phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Đi lên từ một thành phố có trên 340 năm tuổi, đã từng là nơi mua bán sầm uất, TP Mỹ Tho vẫn luôn là thành phố năng động và hiền hòa bên Sông Tiền. Dẫu phải trải qua những thăng trầm, Mỹ Tho vẫn là đô thị trung tâm của tỉnh, của vùng. Sự tôn vinh như là: Mỹ Tho đại phố, TP Anh hùng lực lượng vũ trang, thành phố loại III, loại II, loại I trực thuộc tỉnh, thành phố đạt chuẩn văn minh đô thị, thành phố hoàn thành nông thôn mới ... luôn là niềm tự hào của cư dân thành phố. Chị Dương Thị Hương, một người con của Mỹ Tho bộc bạch về cảm nghĩ của mình khi Mỹ Tho được 345 năm tuổi: "Tôi rất tự hào, vinh dự khi được sinh ra, lớn lên và làm việc tại vùng đất Mỹ Tho anh hùng; là một thanh niên thế hệ trẻ của thành phố, được sống trong thời kỳ đất nước thống nhất, hoàn toàn độc lập tôi luôn biết trân trọng những gì ông cha ta đã hy sinh xương máu để bảo vệ được. Bên cạnh đó, trong quá trình học tập công tác tôi đã được các thế hệ đi trước chỉ bảo dìu dắt; vì vậy bản thân luôn tự hứa cố gắng cống hiến sức trẻ cho quê hương Mỹ Tho anh hùng để góp phần xây dựng TP Mỹ Tho ngày càng giàu đẹp văn minh."
Ngoài những di tích văn hoá lịch sử vật thể được giữ gìn và tôn tạo, TP Mỹ Tho còn có di sản văn hoá phi vật thể đó là đờn ca tài tử  - một trong những dấu ấn về truyền thống văn hoá, lịch sử của Mỹ Tho mà nhiều người muốn tìm hiểu, nghiên cứu. Đây là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận vào tháng 12 năm 2013.
Mỹ Tho – một thành phố hiền hòa bên Sông Tiền, một thành phố năng động nhưng không quá ồn ào theo cách riêng của nó. Vì lẻ đó Mỹ Tho đã làm lưu luyến biết bao con tim.

Mỹ Tho ơi, thành phố tôi yêu,
Yêu từng con đường góc phố dòng sông
Kỉ niệm xưa nơi công viên Lạc Hồng
               Chiều tan trường đường Hùng Vương chung bước
       Phút chia tay về lưu luyến mãi Trung Lương.




 

Vòng xoay Trung Lương thành phố Mỹ Tho

  • Đang online:
  • Tổng lượt truy cập: