Tính đến cuối tháng 1 năm 2023, trên địa bàn thành phố Mỹ Tho xảy ra 4 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, giảm 100% so với cùng kỳ năm 2022. Đến nay bệnh sốt xuất huyết đã xảy ra tại 4/17 phường, xã, trong đó: P.4 ( 1 ca ), P.5 ( 1 ca ), P.7 ( 1 ca ), xã Thới Sơn ( 1 ca ), không có trường hợp tử vong.
Theo ngành y tế TP Mỹ Tho, bệnh sốt xuất huyết có những diễn biến bất thường nên người dân không nên chủ quan, phải tiếp tục thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng, góp phần hạn chế số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.
Theo ngành y tế, Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm cho con người và đến nay chưa có thuốc phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi mắc bệnh người bệnh có biểu hiện sốt cao và xuất huyết dưới da, diễn biến nặng có khả năng gây tử vong cao. Bệnh Sốt xuất huyết được truyền từ người này sang người khác qua trung gian là muỗi vằn. Vì vậy có thể lây lan thành dịch nhanh chóng. Ngay từ đầu năm 2023, chính quyền và ngành y tế thành phố đã có sự quan tâm thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên để công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả đòi hỏi phải có sự tham gia của cộng đồng, gia đình cùng thực hiện một số biện pháp như: diệt lăng quăng nhằm hạn chế phát sinh của muỗi vằn bằng cách đậy kín các vật chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Đối với những, lu, khạp, hồ chứa nước, người dân cần thả cá 7 màu hoặc cá lia thia để ăn lăng quăng. Thường xuyên cọ rữa lu khạp chứa nước mỗi tuần 1 lần để loại bỏ lăng quăng, đối với chân chén chống kiến nên bỏ muối hoặc dầu cặn vào để muỗi không vào đẻ trứng; xung quanh nhà nên vệ sinh sạch sẽ, thu gom loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết như: lu hủ bể, gáo dừa, vỏ xe, lon sửa bò…để không còn là nơi để muỗi đẻ trứng; thường xuyên kiểm tra lăng quăng ở các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà, phát hiện có lăng quăng phải xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, người dân cần tích cực phòng tránh muỗi đốt bằng cách: cho trẻ mặc quần áo dài, cho trẻ ngủ mùng kể cả ngày lẫn đêm; dùng bình xịt muỗi tại nhà để diệt muỗi, chú ý dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, thông thoáng để hạn chế muỗi.
Khi có người thân bị bệnh sốt xuất huyết thì cần chăm sóc đúng cách tại nhà giúp trẻ mau lành bệnh và không để xảy ra tử vong. Theo đó cần tuân thủ 4 nguyên tắc: hạ sốt đúng cách cho trẻ, cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol loại đơn chất với liều 10 – 15mg/kg cân nặng, 4- 6 giờ một lần. Lau mát cho trẻ bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật cho trẻ; Đảm bảo việc bù nước và chế độ dinh dưỡng cho trẻ như: cho trẻ uống nhiều nước bằng nhiều loại nước uống khác nhau như nước sôi để nguội, nước cam, nước chanh, nước dừa tươi, nước canh, nước cháo…và khuyến cáo trẻ nên uống nước oresol (nước biển khô) để bù nước cho cơ thể. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa…kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý giúp trẻ mau lành bệnh. Nguời dân cần phát hiện sớm dấu hiệu bệnh trở nặng để cho trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời. Các dấu hiệu trở nặng của bệnh sốt xuất huyết cần chú ý như: Trẻ ói mửa nhiều; đau bụng, Bứt rứt; quấy khóc; lừ đừ; li bì; tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi; Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu phân đen. Tuyệt đối tránh những tác động không tốt như: không nên cạo gió, cắt lể vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ. Không tự ý cho trẻ uống thuốc Aspirine vì có thể gây chảy máu dạ dày. Không cho trẻ uống những loại nước có màu đen hoặc đỏ như coca, pepsi, xá xị…vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ.
Với tình hình bệnh sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp như hiện nay thì người dân cần chú ý nâng cao kiến thức và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết, góp phần chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
cán bộ y tế vãng gia, tuyên truyền phòng bệnh sốt xuất huyết tại cộng đồng
Thanh Tùng thực hiện